Lập trình web bằng PHP là gì
Nên bắt đầu từ đâu?
PHP không khó, lập trình web không khó, cái khó là không biết phải học những kiến thức bổ trợ nào, học tới đâu, học bao nhiêu cho đủ? Chữ đủ ở đây được hiểu là đủ dùng, không thiếu và cũng đừng “thừa”.
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta sẽ lấy việc “Lập trình web bằng PHP” làm trung tâm, các kiến thức bổ trợ khác như CSS, HTML, JS, SQL, v.v… sẽ được đề cập khi cần thiết.
Lập trình là gì?
Lập trình web là gì?
Lập trình web bằng PHP là gì?
Như ở một comment trong phần bài tập, tôi có nói, diễn giải theo một cách dễ hình nhung nhất thì lập trình tức là bạn đang cố gắng diễn đạt một mong muốn nào đó của bạn theo cách mà máy tính hiểu được, thông qua một ngôn ngữ trung gian.
Bạn có thể lập trình để làm nhiều việc, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Lập trình web được hiểu là lập trình phục vụ thường trực cho các công việc liên quan đến web. Nhưng không có nghĩa rằng các “ngôn ngữ lập trình web” (như PHP, ASP, JSP…) chỉ làm được những gì liên quan đến web. Vì một “ngôn ngữ lập trình web” trước hết phải là một ngôn ngữ lập trình.
Tôi lấy ví dụ, các bạn có thể dùng Pascal/C++ để lập trình tính toán cộng trừ nhân chia, giai thừa, tính lim, log, cộng trừ mảng, tạo ma trận, quản lý sinh viên, xử lý dữ liệu dạng tệp / dạng văn bản… Thế thì bạn cũng có thể dùng PHP để làm toàn bộ những việc đó (dù rằng mỗi ngôn ngữ sẽ có điểm mạnh yếu riêng, và trong một giới hạn nào đó, một vài điểm rất nhỏ ở ngôn ngữ này có thể không / khó thực hiện được ở ngôn ngữ kia).
Trong ít nhất là 2 bài tới, bạn phải thay đổi ngay suy nghĩ rằng “PHP là ngôn ngữ lập trình web nên để học PHP nhất thiết phải có webserver, hosting; nhất thiết phải có trình duyệt, nhất thiết phải rành, hoặc phải biết chút ít về HTML…”
Không. PHP là PHP, nó là một ngôn ngữ lập trình, và chúng ta sẽ học những bài đầu tiên của ngôn ngữ lập trình này mà không cần quan tâm tới bất cứ kiến thức bổ trợ nào như HTML, CSS, JavaScript hay MySQL. Chúng ta cũng không cần trình duyệt hay máy chủ. Tất cả những gì cần có là một phần mềm soạn thảo văn bản (notepad cũng đủ xài) và trình thông dịch lệnh PHP.
Phần mềm PHP.EXE
Nếu đã từng học qua / đọc qua các tài liệu giáo khoa liên quan đến lập trình, các bạn sẽ biết khái niệm về trình thông dịch và trình biên dịch. Tôi đề nghị các bạn xoá bỏ 2 khái niệm này và đồng nhất chúng thành “diễn dịch” cho dễ hiểu và dễ trình bày. Tôi sẽ cố gắng che lấp đi tất cả những gì có thể làm các bạn khó hiểu hay nản chí, và việc này đôi khi đòi hỏi một số định nghĩa “không đúng đắn” lắm, nhưng tôi cam kết sẽ quay lại nói lại cho rõ, cho đúng vào một thời điểm thích hợp, khi mà điều đó thực sự cần thiết cho các bạn. Vậy nên, từ bây giờ chúng ta sẽ gọi chung PHP là trình thông dịch.
Trình thông dịch, trước hết là một phần mềm. Tức là một file cụ thể trên đĩa cứng trong máy tính, có đuôi là .EXE. Để có trình thông dịch PHP, các bạn phải đi “đao lột” ở đâu đó về một file PHP.EXE (tất nhiên, đôi khi file PHP.EXE này đòi hỏi phải có nhiều file khác đi kèm thì mới hoạt động đúng đắn được). Sau khi có file PHP.EXE này rồi, bạn chỉ cần “chạy” nó, sử dụng nó, nhập dữ liệu cho nó, truyền tham số cho nó… thế là đủ để học lập trình PHP… phe phé!
Ví dụ, bạn có thư mục PHP ở ổ đĩa C, và trong C:\PHP có file PHP.EXE, thì bạn chỉ cần khởi động dòng lệnh MSDOS (bằng cách vào Window / Run, gõ lệnh CMD và nhấn Enter). Sau đó, tại con nháy C:\>, hãy gõ lệnh C:\>PHP\PHP.EXE để chạy phần mềm PHP.
Phần mềm PHP này cho phép bạn khởi chạy kèm theo một vài tham số. Và tham số đơn giản nhất là đường dẫn tới file mã nguồn PHP. Ví dụ, khi bạn gõ “C:\>PHP\PHP.EXE C:\PHP\MaNguon\Bai1.php” thì phần mềm PHP.EXE sẽ được thực thi, nó tìm tới file Bai1.PHP (tại thư mục MaNguon, trong thư mục PHP ở ổ đĩa C) để đọc nội dung, thực hiện các câu lệnh trong file Bai1.PHP và trả về kết quả.
Tất nhiên, ở đây chúng ta đang gọi thực thi PHP.EXE từ dòng lệnh – cửa sổ MS DOS nên kết quả trả về cũng sẽ là những dữ liệu hiển thị trong cửa sổ MS DOS. Không có trình duyệt, không có HTML hay CSS gì ở đây hết! Các bạn xem thêm hình minh hoạ ở dưới đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét